Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Sài Gòn cà phê




Tôi chưa có dịp đi nhiều nơi nhưng vẫn có thể chắc chắn rằng không đâu trên thế giới này lại có nhiều quán cà phê như ở Sài Gòn.
Đã là dân Sài Gòn, không thể không uống cà phê, đến bọn trẻ con bé tí xíu cũng đã được cha mẹ dắt vào quán. Kể cả thằng cu con nhà tôi cũng đã được khai hoá cà phê từ lúc gần …. một tuổi, ấy có khi cũng là một cách cho con hội nhập nếp sống của người Sài Gòn vậy.
Tôi trở thành cư dân Sài Gòn năm 14 tuổi, ba tôi chuyển công tác từ Hà Nội vào và kéo cả nhà  định cư ở Sài Gòn. 14 tuổi, học lớp 9 tôi đã biết cà phê Sài Gòn khác Hà nội như thế nào ( Hà nội ngày đó quán cà phê hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung trên phố cổ, là nơi lui tới của giới văn nghệ sỹ râu dài, tóc dài và một số người thuộc thành phần buôn bán.  Thời bao cấp, dân Hà Nội không sẵn tiền và cũng không có cái thói quen ngồi quán cà phê như bây giờ ). Vào Sài Gòn, ngoài việc được cho đi chơi thăm thú vài nơi cho biết, việc đầu tiên là các anh, các chú cùng cơ quan ba đưa tôi ra quán cà phê, lúc đó cơ quan của ba tôi ở đường Nguyễn Văn Trỗi - Phú Nhuận, hai bên đường lác đác có mấy quán cà phê sân vườn, bàn ghế bằng mấy tấm gỗ ghép đặt dưới mấy gốc cây xoài, cây trứng cá, đồ uống cũng đơn giản như thời đó : Cà phê đá, cà phê đen, đá chanh, chanh muối, xí muội và đặc biệt có quán có thêm món sữa….dê cho thêm tí cà phê vào là xôm tụ lắm rồi.
Lên cấp 3, năm đầu là quen trường quen lớp, đồ ăn thức uống cũng đơn giản : Vài cái bánh mỳ hoặc dĩa xôi buổi sáng, khát nước thì ra canteen của trường làm ly trà đá, đứa nào sang hơn thì chai nước ngọt Chương Dương hoặc ly siroup làm từ cái gì chả biết, xanh xanh đỏ đỏ thêm vào vài hột mứt chùm ruột là ngon lắm rồi, chưa đứa nào dám vào quán cà phê cả. Sang đến lớp 11, bắt đầu quen nhau có băng có nhóm rồi mới lang thang chỗ này chỗ nọ, mới bắt chước người lớn la cà mấy quán cà phê gần trường, cả đám 5 – 7 đứa chui vào 1 góc quán, thường là 1 quán be bé dạng nhà phố chừa phía trước vài phòng bán cà phê, phía sau là nơi pha chế, bếp và phòng vệ sinh. Quán đặt vài cây dừa kiểng, cau kiểng nhỏ có quàng 1 dây đèn chớp tắt cho bớt trống trải, thêm vài cái ảnh ban nhạc BoneyM, ABBA hoặc Modern Talking, bàn nhôm ghế nhựa, thế cũng đủ tụ tập cả buổi trời với nhau, về nhà có ai hỏi mặt vẫn rất quan trọng : “ Con ( em ) đi học thêm chớ bộ, mệt phờ người nè…..”.
Nhưng mà cái thế giới cà phê Sài Gòn hồi cấp 3 vẫn còn nhỏ bé lắm, lớn lên thêm 1 tí, vào đại học nhiều bạn hơn mới có dịp lang thang nhiều nơi, biết thêm nhiều về cà phê. Đầu tiên là trố mắt ra nghe 1 thằng kể về cà phê võng, cứ tưởng là tệ nạn gì kinh khủng lắm, hoá ra tại cái đầu mình nó đen tối, cà phê đó đơn giản là người ta mắc mấy cái võng trong cái rừng cây bạch đàn nhỏ cạnh xa lộ Hà Nội để mọi người đi đâu xa xa ghé nằm nghỉ khi mỏi lưng, vậy thôi,  nhưng nghe là lạ. Rồi đến cà phê sân thượng, nghe là đã thấy cao tít, tôi vẫn nhớ vài quán sân thượng bên đường Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh và nhất là quán góc đường Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu, quán ở trên cao, nhẹ nhàng yên tĩnh hơn, thú vị hơn cả  là ban đêm ngồi hóng gió ngắm sao trời khi cả Sài Gòn đang ngột ngạt lên vì cuối mùa khô.
Học đại học, thời gian nhiều như lá mùa xuân, lại lang thang ghé quán, Sài Gòn có 1 dạo rộ lên Phố - cà phê : Dọc 3/2 từ ngã sáu đến Cao Thắng, Kỳ Đồng, Lê Văn Sỹ, cư xá Lữ Gia, Bắc Hải, cả mấy dãy phố ở Tân Bình, Bình Thạnh, quán nhiều vô kể, vẫn công thức cũ : nhà phố, vài cây kiểng, bàn nhôm – ghế nhựa, nhạc các loại dập ầm ầm nhưng mỗi quán có thêm dăm ba em gái áo hai dây, quần jeans hoặc váy ngắn chạy ra chạy vào hay ngồi vắt vẻo trên xe gắn máy dựng trước cửa, khách thì rặt trong nhóm U25 ngồi ngắm các em, mắt chữ A mồm chữ O, tay vung vẩy điếu thuốc lá cho thơm đời.
Cà phê Sài Gòn gắn liền với chuyện yêu đương, thời buổi khó khăn, nơi vui chơi giải trí nghèo nàn, chỗ dành cho trai gái yêu nhau lại càng nghèo nàn hơn, thế thì cà phê vậy, mới hẹ hò thì cà phê phố cà phê vườn, thân thiết hơn chút thì cà phê ghế bố, cả 1 dãy quán cà phê kiểu này bùng nổ bên Thanh Đa và dọc bờ sông An Phú, Quận 2. Những nơi này được cái không gian rộng rãi, trữ tình, cây cối xum xuê mát mẻ, ghế bố kê từng cặp dưới mái lá sát bờ sông, nhạc nhẽo cũng dịu dàng chứ không ầm ĩ như mấy quán phố kia, trai gái từng cặp nửa nằm nửa ngồi trên ghế bố, thả hồn theo mấy dề lục bình chầm chậm trôi trên sông và thả hồn vào mắt nhau, êm dịu và lãng mạn nhưng mà…….muỗi, muỗi bờ sông thì to và nhiều vô kể, quán nào cũng đặt dưới đôi ghế bố 1 vòng nhang muỗi. Buổi tối, trong không gian thoang thoảng mùi nhang muỗi, từng đôi bạn rúc rích trò chuyện thỉnh thoảng xen vào vài tiếng bốp, bép đập muỗi, sáng ra lên giảng đường nhìn cổ chân em gái nào có nhiều nốt muỗi chích dứt khoát là tối hôm  qua mới ngồi bờ sông với bồ.
Kinh tế phát triển, người Sài Gòn bắt đầu có nhiều thú ăn chơi, cà phê Sài Gòn cũng bùng phát theo đó, cà phê ở khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, đến nỗi có lần tôi và mấy thằng bạn thử đố nhau xem Sài Gòn giờ có bao nhiêu quán cà phê, thằng bảo 10 ngàn, thằng bảo 5 chục, thằng bảo dễ có đến vài trăm ngàn quán lớn nhỏ, tôi thì bảo nếu thông kê đầy đủ thì có khi phải khoảng 2 người là có một quán cũng nên. Quả thật, ở Gài Gòn không gì dễ mua bằng cà phê, từ sáng sớm đến nửa đêm cần 1 ly cà phê? Có ngay sau vài phút. Quán cà phê bây giờ biến hoá hơn ngày trước nhiều, phân chia theo nhóm đối tượng và đẳng cấp hẳn hoi : cà phê PDA’s cho những người thích tìm tòi về mấy cái đồ handheld, cà phê Hi-end cho hội chơi đồ Audio cao cấp, chuỗi Aqua café dành cho những người đam mê cây hoa, cá cảnh ; Lại có cả cà phê cho người đam mê máy ảnh - chụp ảnh, cà phê cho những người yêu nhạc Trịnh, quán cho những người yêu nhạc The Beatles, nhạc cổ điển & opera,  thậm chí có cả quán chuyên chơi nhạc Flamenco của dân Di-gan ( Gipsy ) cũng rất đông khách. Độc địa hơn là cà phê BCS, thoáng nghe tưởng cà phê Săn – Bắt – Cướp nhưng hoá ra là Bao – Cao – Su, do một nhóm đồng đẳng viên lập ra để tư vấn về AIDS và phát BCS miễn phí cho các bạn trẻ đến quán.
Người lớn tuổi và những người xa quê lâu ngày về thường đến những phòng trà – cà phê mà quen thuộc nhất là Tiếng Tơ Đồng, Đồng Dao, 2M… để nghe nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến và nhớ về một ngày xa xưa ở Sài Gòn.
Quán cà phê ở Sài Gòn bây giờ đã trở thành một công nghệ, cả dãy quán quanh hồ Con Rùa được design lại thật bắt mắt, máy lạnh và nhạc êm dịu. Buổi tối buổi sáng, khách ngồi chật ghế ngắm nhìn cái vũng nước bé bằng bàn tay mà người ta gọi là hồ, nhìn trai thanh gái lịch phóng xe gắn máy vòng đài phun nước thỉnh thoảng mới thấy phun, nói chuyện đông chuyện tây hay đọc một vài tờ báo buổi sáng, thế cũng cảm thấy ổn lắm rồi. Rồi còn chuỗi Trung Nguyên cà phê, Highlands cà phê mấy chục quán giống hệt nhau khắp Sài Gòn. Trung Nguyên thì bán cà phê cho người biết uống, gọi là biết uống vì cà phê đặc và đắng như kháng sinh, uống một ly về hôm sau mụn mẹ mụn con nổi đầy người, chắc chỉ các bác ghiền nặng mới chịu nổi loại cà phê này. Highlands thì tranh thủ mấy cái cao ốc mới xây, ấn 1 dãy bàn ghế xanh đỏ, dăm bảy cô chú phục vụ quần áo cũng xanh đỏ bán cà phê cùng fastfood chủ yếu cho các anh chị Tây làm việc tại Sài Gòn, người Việt chả thấy lai vãng mấy. Lại còn chuỗi Ciao book – café, chủ yếu bán cà phê – fastfood nhưng kèm thêm sách ngoại văn đủ kiểu cho mọi người đến vừa cà phê vừa đọc sách.
Nhưng hot nhất, thời thượng nhất phải kể đến chuỗi cà phê Windows rải rác 3 -4 quán ngay trung tâm thành phố. Cà phê Cát Đằng, ngày trước cà phê Cát Đằng chỉ có một quán nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giờ mở thêm dăm quán nữa toàn thuộc loại thời thượng, khách đến uống toàn chạy scooter loại xịn dăm bảy ngàn thằng Mỹ một chiếc, được xếp ngay hàng thằng lối loại nào ra loại ấy, khách đi xe hơi chỉ đỗ lại là có ngay chú phục vụ ra nhận xe mang đi cất, khi về được trả lại nguyên xi, y như phong cách của mấy khách sạn lắm sao đang được xây khắp Sài Gòn. Quán thì được đầu tư tối đa, trang bị đến tận chân răng, cà phê đồ ăn đồ uống kiểu gì cũng chiều, thế mới tài. Dĩ nhiên để đầu tư một quán như thế không phải là ít, khoảng năm 2001 – 2002 một quán mở ra trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi nghe giang hồ đồn là chủ quán đầu tư mất khoảng 8 tỷ ( Gần 1.000.000 USD thời điểm đó ), nhưng vẫn chưa kinh khoảng 2005 -2006 có quán trên đường Mạc Đĩnh Chi được thiên hạ cho rằng phải đầu tư khoảng 8000 lượng vàng ( Tính ra khoảng gần 5.000.000 USD ), cho dù là đã bao gồm tiền mua đứt khu đất đó nhưng khoản tiền bỏ vào đầu tư quả thật gây shock.

Thời hiện đại, thú cà phê cũng dần dần hiện đại hơn, chỉ cần một dòng sms “ Café, quan xyz ” là mươi, mười lăm phút sau đã có vài ba thằng tụ tập, bắt đầu cữ cà phê cuối tuần. Bây giờ thì hầu hết quán có đầu tư tàm tạm trở lên đều Free Wifi, cũng đâu có gì khó : Một line ADSL, thêm 1 cái wireless router là khác tha hồ vác laptop với PDA’s vào lướt Wep, chat chit thoải mái, thỉnh thoảng lại có em gái tóc hai lai, ba lai ngồi toét miệng cười qua wecam với anh tây già nào đó ở nửa bên kia trái đất. Dạo cả nước nổ tung lên vì stock thì các quán cả phê nhan nhản khách, vừa nhâm nhi cà phê vừa giở laptop ra xem giá cổ phiếu lên hay xuống, công nhận Sài Gòn giờ sành điệu nhất quả đất.

Nhưng mà sành điệu mãi, thời thượng mãi cũng chán, lại tìm đến cà phê cóc, cà phê lề đường. Buổi sáng tinh mơ, tấp xe gắn máy vào lề đường Nguyễn Phi Khanh đã thấy thật đông khách già già và trung trung tuổi ngồi uống cà phê đen, dãy cà phê ở đây chắc đã có từ lâu lắm, bàn gỗ, ghế ghỗ nhỏ tí xíu, tường vôi vàng loang lổ nhưng cà phê thì thơm lừng cả góc phố, mỗi bàn lại có một bình thuỷ nước sôi nho nhỏ cho ai cần thêm. Những buổi trời hơi lành lạnh, làm một ly cà phê đen, điếu thuốc và vài tờ báo Tuổi trẻ hay Thanh niên vừa mới phát hành mới thấy thật sự sảng khoái, đúng là không đâu cực như ở Sài Gòn nhưng cũng không đâu sướng bằng ở Sài Gòn.

Hôm nay thứ 7 rồi, có ai nhắn tin cho tui đi uống cà phê không vậy ta?

                                                                                                                                                                                              




Không có nhận xét nào: